Trang

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

CHIỀU MƯA



                                                         Truyện ngắn: Minh Hương

Dựng chiếc xe máy vào góc nhà, để chiếc cặp giáo án lên bàn, Thanh bước đến trước gương đưa tay vén lại mái tóc bị gió lùa lòa xòa trước trán cho thành nếp, cô mỉm cười với mình. Dường như không cảm nhận được điều gì từ khuôn mặt phờ phạc trong gương, Thanh cố mỉm cười một lần nữa, nhưng chẳng có gì vui vẻ hơn bởi đôi mắt cứ rười rượi kia. Thở dài đánh thượt, cô quay lại xách giỏ thức ăn chiều xuống bếp và nhớ lời Tiến thường nói: “Mắt em buồn như chiều mưa”.
Nghe tiếng động biết mẹ về, hai chị em Tuyết - Tùng đang xem ti vi trên gác vội ào xuống tranh nhau  khoe:
- Mẹ ơi! Có thư ba.
Thằng Tùng láu táu chạy chạy lên phòng khách cầm thư xuống.
- Chúng con chưa bóc thư đâu, đợi mẹ về đấy!
Thấy mẹ không tỏ vẻ vui mừng gì, hai đứa nhỏ xìu xuống. Không đành lòng, Thanh cầm thư bóc ra.                   
          - Thư ba gửi cho các con đây, mang lên nhà đọc, còn thư của me, tối mẹ đọc.
Trên nhà vọng xuống tiếng hai đứa trẻ:
- Tùng để chị đọc, cả hai chị em mình cùng nghe!
- Ứ ừ, em đọc trước cơ, chị đọc một tí chị lại khóc nhè, em ứ chịu đâu!
- …
Thanh thở dài, bần thần nghĩ lung bung, nước sôi gần cạn mới nhớ là chưa cho rau vào luộc, nồi thịt kho nghe mùi khét mới giật mình bắc xuống. Bưng mâm cơm lên lại thấy bé Tuyết đang úp mặt vào tường thổn thức. Thằng Tùng đang ngồi so trên ghế vội sà đến bên Thanh nhỏ nhẹ:
- Mẹ ơi! Ba sẽ về đón chúng con sang Tiệp nhưng tết này ba chưa về được.
Thanh gật đầu:
- Chắc ba bận, nếu không ba sẽ về.
Tùng nhào vào lòng Thanh, vòng tay qua cổ mẹ thì thầm:
- Ba viết ở cuối thư là: Các con thơm mẹ cho ba…
Thanh ôm Tùng vào lòng thơm lên má nó.
- Con gọi chị Tuyết dậy ăn cơm…
Hôm sau, Thanh nằm bệt gần như hết ngày. Lần trước cũng vậy, thư Tiến gửi về, sau khi đọc cô thấy người bải hoải, váng vất. Nằm đến xế chiều, sau khi uống ly sữa, cô trở dậy đi lại dọn dẹp trong nhà cho khuây khỏa. Có tiếng gõ cửa, Tùng chạy ra.
- A! Chào chú Ngọc, sao chú biết mẹ cháu ốm mà đến thăm?
- Thế mới gọi là chú Ngọc chứ, chú thơm cháu một cái nào. Có quà cho các cháu đây: tập truyện tranh này cháu thích không? Còn bộ xếp hình cô tiên là của chị Tuyết.
- Cháu cảm ơn chú Ngọc.
Tùng ôm quà chạy lên gác với chị. Ngọc quay lại, Thanh đang ngồi trên ghế. Mặt cô nhợt nhạt, đôi mắt buồn sâu thẳm nhưng vẫn gợi lại những nét thanh tú, huyền thục trên khuôn mặt.
- Sao đó Thanh?
- Em hơi mệt, sao anh biết mà đến?
- Vừa bước vào nhà nghe cu Tùng hỏi thế nên bịp nó vậy chứ anh có biết gì đâu. Cũng lâu, hôm nay anh mới lại thăm mẹ con em. Tiến có gửi thư về không?
- Hôm qua mới nhận được thư, em buồn quá.
- Anh biết thế nào em cũng nói vậy, thế mà bạn bè rủ đi chơi em có chịu đâu. Đừng tự hành hạ mình như thế, ở bên ấy Tiến tự do chơi bời hết bồ này đến bồ nọ, biền biệt hai ba năm mới về một lần. Đã vậy, cả năm mới viết về nhà có vài lá thư. Anh sợ Tiến không muốn về Việt Nam nữa kìa. Còn em, định  làm đá vọng phu thời này chắc?
- Anh nói đúng, thư anh ấy nói sẽ về bán nhà để trả nợ, lấy vốn làm ăn  lại từ đầu rồi đón mẹ con em sang ấy…
- Em tin thế à? Vậy lỡ bán nhà xong làm ăn lại thua lỗ, nợ nần thì em nghĩ sao? Lúc ấy liệu Tiến có thể đón mẹ con em sang đó không?
          - Em không biết mình có tin nữa không, gần mười năm qua những lời hứa của Tiến với em đã quá nhiều. Có điều, chính em cũng muốn bán nhà này, đổi nhà khác nhỏ hơn để ở, vốn còn lại vợ chồng tìm cách làm ăn ngay tại thành phố này. Chỉ ngại Tiến không chịu về …
          - Tiến sẽ không chịu vì theo cậu ấy phải bán nhà để trả nợ mà. Mấy năm nay Tiến có gửi về  cho mẹ con em đồng nào đâu, may còn có tiền cho thuê nhà, nếu không lấy gì sinh sống. Thôi, đừng nói chuyện  này nữa, ta đi dạo một lúc cho khuây khỏa, em cứ thu mình trong nhà như thế này không được đâu.
          Ngọc cầm tay Thanh kéo cô đứng dậy, hơi thở của anh làm mặt cô nóng bừng. Thanh muốn ngã hẳn vào vòng tay của anh, nhưng cô đã gắng rút được tay mình ra khỏi bàn tay đang nắm chặt của anh và ngã ngồi xuống ghế. Không để Ngọc kịp buông lời trách, vừa thở Thanh vừa nói:
- Anh Ngọc, anh là bạn của Tiến, em mong anh hiểu … Được anh thường đến thăm thế này là mẹ con em đỡ buồn nhiều lắm rồi. Bọn trẻ càng lớn càng không thích mẹ chúng đi chơi với đàn ông. Thấy ai có vẻ áy náy cho hoàn cảnh của mẹ khi nhắc đến ba là chúng tỏ vẻ khó chịu, như vậy là nói xấu ba của chúng. Còn em bây giờ như người vô cảm, chẳng muốn định đoạt cái gì. Tuy vậy em vẫn phải mong và hy vọng Tiến sẽ về…
          Thanh lật quyển sổ trên bàn đưa cho Ngọc lá thư đang viết dở, nhoè nước mắt của con Tuyết gửi ba nó: “Ba ơi! Bầu trời thật là mênh mông nhưng ở đâu cũng có, còn ba của con thì chỉ có một mà thôi. Hàng trăm phép nhiệm màu của các bà tiên cũng không làm sao đếm hết được nỗi nhớ và tình thương của chúng con với ba đâu. Tại sao ba không về với mẹ và chúng con như ba của các bạn hở ba?…” Ngọc nhìn sâu vào mắt Thanh:
-Anh hiểu! Rất hiểu! Song dù vậy, anh vẫn thấy hy vọng của em thật mong manh …
           Sau khi cánh cửa khép lại, còn lại một mình, Thanh ngồi lặng trong nỗi suy tư không dứt. Cô nhìn lại khắp lượt trong nhà: cũng xe máy, tivi màu, máy catset, tủ lạnh, máy giặt … Đâu đến nỗi nào! Và hơn tất cả là có ba mẹ con Thanh đang sống. Vậy mà Tiến lại cho rằng giờ đây anh chỉ còn “cái nhà rỗng tuyếch cần phải bán”. Phải chăng đó là lý do cuối cùng để anh cắt luôn sợi dây ràng buộc hờ hững của anh với gia đình hiện nay? Vậy mà trong thư Tiến còn viết: “… Chẳng lẽ, một người vì miếng cơm manh áo cho gia đình, phải sống tha phương nơi xứ người như anh lại mất quyền được nhận tiếng gọi “Ba” của các con mình hay sao?…”. Cô rất muốn tin đó là nguyện vọng thiết tha của anh cũng như muốn được chia sẻ với anh những khó khăn thua lỗ trong việc làm ăn buôn bán ở bên ấy như anh vẫn thường nói. Còn những đồn đại khác về Tiến từ bạn bè thì sao? Cô không muốn nghe và không muốn tin. Làm sao cô có thể quên những năm tháng đã từng sống bên anh, được anh yêu thương, chăm sóc. Nhưng tất cả những điều muốn và không muốn ấy chỉ là theo ước vọng của cô, còn sự thật làm sao có thể biết chắc chắn khi cô đang ở cách xa Tiến một phần tư trái đất… Trời ơi! Nếu như ngày ấy cô đừng quá giản đơn cho rằng hạnh phúc và giàu có là một thì giờ đây cô đâu phải đau khổ, day dứt…


Thanh đến bên cửa sổ. Trời đang mưa sụt sùi. Phố xá vắng vẻ, chỉ có hàng cây bên đường đang lặng lẽ đầm mình dưới mưa. Những chiếc lá bàng như những bàn tay xòe ra đón những hạt mưa li ti, rồi rả ríc thả xuống vạt nước đọng dưới gốc cây. Những bong bóng nước trong veo lừ lừ đuổi nhau hết lớp này đến lớp khác, để sau đó chỉ trong tít tắc tất cả đều tan ra thành nước … Thanh cứ nhìn xoáy vào những bong bóng nước ấy và chợt nghĩ: chẳng lẽ hạnh phúc mà cô và Tiến hằng mơ tưởng, đuổi bắt cũng chỉ là những bong bóng giọt mưa kia thôi sao? Tim Thanh lại nhói lên bởi câu hỏi của con Tuyết trong lá thư viết dở: “Tại sao ba không về với mẹ và chúng con …”. Cũng đã lâu, cô thường không trả lời mỗi lần nhận thư Tiến, cô muốn phó mặc buông xuôi tất cả. Nhưng giờ đây, vì các con của mình cô sẽ lại viết thư gọi ba của chúng trở về dù biết đó là một hy vọng mong manh. Thanh quay vào bàn lấy giấy bút ra, một ý nghĩ chợt đến: Thật lạ! Những bong bóng nước vô tình kia lại đem đến cho mình một ý nghĩ sâu sa… , hơn thế nữa cô vẫn tin Tiến sẽ trở về. Đôi mắt “buồn như chiều mưa” của Thanh chảy dài những giọt lệ như muốn cùng tuôn chảy với muôn ngàn hạt mưa đang xối xả trong cơn mưa chiều nay.

                                                                             Nha Trang - 1997

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

THUỞ BAN ĐẦU



Mới đó mà đã gần 37 năm.
Ôi! thời gian...




Nói với em
Khi anh nhìn vào mắt em:
Đôi mắt em đen tròn long lanh…
Đôi mắt ấy nhìn anh
Im lặng!
Và tiếng gió khẽ lướt qua vòm lá
Và những hạt mưa xuân
Nhẹ nhàng đọng trên đôi má
Đôi má em đỏ hồng
Và những gì nghe rất trong, rất trong
Không phải tiếng anh, cũng không phải tiếng em,
mà sao gần thể nhỉ!?

Đâu phải mối tình nào cũng bắt đầu từ một đêm trăng sao.
Đâu phải mối tình nào cũng bắt đầu bằng những lới ngọt lịm.
Nhưng khi người ta yêu nhau
Thì tất cả đều trở nên rạng rỡ
Thì tất cả đều trở thành đẹp quá
Cho dù đêm đầy mây
Cho dù mưa bay
Cho dù gió thổi
Và chẳng lời ngọt lịm nào sánh nổi
Phút lặng im giữa hai đứa chúng mình.
Anh không nhìn thấy anh
Chỉ nhìn thấy em
Em chẳng nhìn thấy em
Chỉ nhìn thấy anh
Cứ nhìn vào mắt nhau
Là thấy được bóng dáng mình trong đó

Đứng trước nhau em ơi!
Hãy biết làm ngọn lửa
Của tình yêu và của cuộc đời
cháy cho bây giờ, cháy cho tương lai
Cháy cho ngắn lại tháng ngày chờ đợi
Và tóc em vẫn dài như buổi đầu con gái
Và anh vẫn yêu đời cho những tháng năm nao
Em sẽ dắt em lên hái những vì sao
Mà em thích nhất.
Em ơi em! Khi anh nhìn vào đôi mắt
Đôi mắt em đen tròn long lanh
Đôi mắt ấy nhìn anh
Im lặng!...
Và tiếng gió khẽ…
Và …
Nguyễn Chính
ĐHNN I – 12/4/1976



18 - 11
Bước vào tuổi hai mươi
(Tuổi đẹp nhất của thì con gái)
Mười chín năm rồi - Biển lặng - Lớn lên.
Em sinh ngày đất nước vẫn chia hai
Giữa Trường Sơn Ba mở đường bí mật
Đêm rừng sâu Ba thường thao thức
Đặt tên con mình.
Ba cứ muốn em là con trai
(Người lính chiến nào mà chẳng vậy).
Bởi Ba thích nên em giống Ba quá đấy
Từ khuôn mặt, dáng người đến tính nết của Ba.
Nhưng vì tóc dài nên em là: Hương
Thoảng mùi thơm đầu mùa trái ngọt.
Mười chín năm rồi có ai còn nhắc
Năm tháng tuổi thơ - Cô bé nghịch ngầm -

Anh đến bên em
Khi Nàng Bân xin cha mình cho mùa Đông trở lại.
Anh biết:
Ngọn lửa thắp từ bàn tay cô gái
Sẽ nồng nàn ấm mãi những ngày đông.
Tuổi hai mươi, Hương ơi!Em lớn lên rồi.
Đất nước Hòa bình: Con đường rộng mở.
Cho em đi những bước ban đầu.
Dù gian khổ, dài lâu.
Cô bé của anh sợ gì vất vả
Thời gian đang gọi tên em - giục giã -
Mong em từng giờ từng phút lớn lên
 


Nguyễn Chính - 11/1976


Mái tóc dài của anh



Buổi đầu mới biết em
Anh thích nhìn mái tóc
Rất dài và rất đẹp
Từng sợi mềm bay bay.

Khi được nâng mái tóc
Dưới mênh mông sao trời…
Ánh mắt nhìn thăm thẳm
Khuất sau làn tóc em.

Muốn được làm chiếc lược
Sáng, sáng em gội đầu
Âu yếm từng sợi nhỏ
Cho mịn màng như tơ.

Muốn được làm ngọn sả
Thơm trong nước gội đầu
Lợp vào trong mái tóc
Hương dịu dàng đắm say.

Thương lắm từng sợi nhỏ
Cứ vương vào thời gian
Ước mình có phép lạ
Giữ mãi xanh tóc nàng.

Má cho em mái tóc
Trong gian khó nhọc nhằn
Thơm trong từng giọt sữa
Là nghĩa tình mênh mông.

Mái tóc dài của em
Sẽ đẹp từng năm tháng
Dẫu gội vào mưa nắng
Vẫn xanh hoài trong anh

 

Nguyễn Chính - 3/1977


Những ngày ở sông Đuống
 

...Hương yêu! bài thơ – Đấy lại thơ – sau đây anh vừa là em, lại vừa là anh (em cứ cho phép anh được là cô bé ấy nhé), tuy nhiên, về phía em, em có quyền gạc và sửa “những câu, những đoạn” không thật đúng “ngôn ngữ”của mình.

Khi em mong thì nỗi nhớ mênh mang
Gọi về bao kỷ niệm
Và những điều thầm kín
Chưa nói được cùng anh

Mỗi sáng dậy bâng khuâng
Em nhìn về phía ấy
Chỉ thấy mây bồng bềnh,
Phủ đầy rừng núi.

Mỗi buổi chiều hoàng hôn
Em đi trong chờ đợi
Mỗi lần nghe gió thổi
Tưởng anh khẽ gọi tên mình

Và mỗi đêm trằn trọc
Em nhìn về tương lai
Tiếng gọi của đời cứ ngân trong em mãi
Như vọng về từ một nơi xa xôi.

Có bao giờ anh thấy mình vui?
Khi mùa xuân trên môi em nở rộ
Cứ “lầm lì” tính em thường thế đó
Hỡi anh chàng “ngốc nghếch” của em

Tiếng gõ cửa cũng trở thành tiếng gọi
Ánh mắt nhìn cũng trở thành giọng nói
Kỳ lạ thay ngôn ngữ của chúng mình
Chẳng ai mà hiểu nổ.i

***

Ngôn ngữ ấy bắt đầu từ chữ A
Và bắt đầu từ con số 1
Chữ đầu tiên và con số đầu tiên
Như tình yêu của em kết thành sự thật.

Từ vần A anh tìm ra vần H
Con sông Hương dịu mát của miền Nam
Nhớ đêm hành quân mắc võng dưới hương tràm
Ngây ngất sống giữa mùa hoa nở.

Đoạn kết anh chưa chép vào vì anh thấy chưa đạt, còn đề thì anh chịu không biết nên lấy là gì. Theo anh không cần đề hay mà chỉ cần đề đúng.
- Hợp tính nhau đó là điều vô cúng hạnh phúc -

 

Hè năm 1976 - Nguyễn Chính


Đến bây giờ chắc anh đã quên đoạn kết của bài thơ, tên của bài thơ cũng chưa được đặt. Nhưng cuộc sống thì vẫn cứ bộn bề, hối hả. Và đặc biệt là đã gần 40 năm rồi mà hình như họ vẫn không hợp được tính nhau. Tuy vậy cái viển vông lãng đãng trong một góc nhỏ tâm hồn của họ thì lại có nhiều nét đồng cảm lạ. Có lẽ vì vậy mà họ đã cùng nhau đi một đoạn đường khá dài, đầy trắc trở... và đang dần đến đích. Cầu mong cho một chút lãng đãng ngàn vàng ấy sẽ vẫn là điểm tựa để họ cùng nhau đi đến trọn đời.

- MH -

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Làm sao
                        Nhân đọc bài thơ “Lỡ” của Nguyễn Chính

Tình yêu em dấu* được ai?
Anh vô tình chẳng đoái hoài đấy thôi!
Đã từng nhung nhớ khôn nguôi
Đã từng trông đứng trông ngồi vu vơ…
Để rồi ngày ấy hững hờ
Em đành nhắm mắt xuống đò sang ngang
Chôn sâu xuống tận đáy lòng
Niềm riêng sao nỡ xếp cùng niềm chung?
Tưởng rằng có thể dửng dưng
Nào ngờ gặp lại nửa mừng, nửa đau!
Làm sao bắc lại được cầu?*
Làm sao hò hẹn mai sau* hỡi Người!?
Ngậm lòng cứ giả vờ thôi
Bồ hòn làm ngọt… một thời ngu ngơ!

                             Nha Trang – 1996

* Những từ ý có trong bài “Lỡ”:
Tình yêu em dấu trong em
Mà anh thì cứ đi tìm đâu đâu…
… Hay là lại ốm tương tư
Lại hờn dỗi, lại hẹn hò mai sau
Sang em anh bắc lại cầu



CÂY  KHẾ  VƯỜN  XƯA


                                                        Truyện ngắn của Minh Hương 


          Gần tám giờ tối mà con gái chị đi đâu chưa về. Mâm cơm đã nguội lạnh. Không hiểu sao, chị thấy lòng dạ cồn cào. Cảm giác mơ hồ như sắp mất một cái gì đó khiến chị bồn chồn. Chị nhìn lung mung ra ngoài cửa sổ. Trăng sáng lạ lùng. Bóng cây khế im lìm bất động, tán xum xuê. Nếu không bị bom phạt ngang ngọn, chắc giờ nó phải cao lắm. Chị lại nhớ đến chồng và lời hẹn của anh. Chị tắt đèn, đến bên cửa sổ, ánh trăng lùa vào phòng mát lạnh. Áp nhẹ mặt vào giữa hai chấn song, chị nhìn vượt lên ngọn khế, thả mắt vào không trung tĩnh mịch…
          Cây khế kia trong mắt mọi người chỉ là vật vô tri vô giác, thế mà như định mệnh, nó đã trở thành điểm tựa tâm linh của hai người đàn bà. Ngày xưa, hồi bố mẹ chồng mới cưới nhau, ông trồng cây khế để nhắc lại kỷ niệm của hai người. Dưới gốc khế trong vườn nhà bà, họ đã từng chuyện trò rồi nên vợ nên chồng. Vì kế sinh nhai, ông phải đi làm xa, để lại người vợ trẻ cùng đứa con trai đầu lòng vừa một tuổi. Ông chỉ cây khế mới ngang tầm mắt nói: “Khi nào cây khế bói quả, tôi về”. Hai năm sau, cây khế ra hoa. Bà thắc thỏm chờ đợi. Hoa khế rụng dần, chỉ đậu lại hai quả. Bà không hái, để chín rục rụng xuống gốc. Đúng lúc ấy ông về. Đau xót thay, đó chỉ là xác của ông. Người cùng làm ăn với ông nơi rừng thiêng nước độc đưa ông về cho biết: Ông bị cảm hàn, ra đi đột ngột … Số tiền ông dành dụm được trong hai năm, đủ để sau này bà dựng lại ngôi nhà nhỏ cho con trai lấy vợ. Người con trai của ông bà sớm giỏi giang mọi việc. Học hết cấp hai, anh ở nhà lo việc ruộng đồng giúp mẹ. Tiếng sáo của anh vào những buổi trưa hè, trong những đêm trăng làm mê lòng nhiều cô gái làng. Riêng anh chỉ để mắt đến chị. Đám cưới của hai người được tổ chức đơn giản, vội vã như bao đám cưới thời chiến khác. Anh lên đường nhập ngũ cùng lời hẹn với người vợ mới cưới: “Chừng nào cây khế còn xanh, anh còn sống trở về…” Lúc ấy, mẹ chồng chị quay mặt đi, dấu vội giọt nước mắt. Bà nghĩ: “Lẽ nào, như mười tám năm trước, cây khế lại là tâm điểm cho một lời hẹn, sẽ lại là sợi dây vô hình buộc số phận của con dâu bà như đã từng ràng buộc số phận cả đời bà” …
          Chiến tranh chấm dứt, mẹ chồng chị thở phào. Thế là con trai bà, ơn trời đã tránh được hòn tên mũi đạn, nó sắp về … Nhưng bà đã không còn được gặp mặt con trai lần cuối. Khi hấp hối, bà nói với người con dâu hiếu thảo: “Hết bom đạn rồi, cây khế còn xanh, chồng con sắp về …”. Với niềm tin như thế, mẹ chồng chị đã sống chờ đợi và yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Còn chị, mười hai năm chị nhẩm đếm từng ngày, việc nhà cửa, ruộng vườn một tay chị lo liệu, chỉ mong anh còn sống trở về. Nghe tin ngừng chiến, chị phủ phục dưới gốc khế, lặng đi trong niềm sung sướng tột đỉnh. Ôm chặt con gái vào lòng, chị nói với nó: “Bố con sắp về …” . Bởi vậy chị tái tê sửng sốt trước giấy báo tử của chồng, anh hi sinh trước ngày miền nam giải phóng một tháng. Đau đớn, hẫng hụt làm chị suy sụp tưởng không thể vực dậy được. Chị cứ thẫn thờ khắc khoải với lời hẹn của chồng. Biết bao lần chị đã nhìn lên ngọn khế xanh ngắt kia thầm gọi tên anh và trong khoảng không tĩnh mịch đó, hình ảnh thân yêu của anh lại ùa về vẹn nguyên như ngày nào chị ngồi nghe anh thổi sáo dưới gốc cây này.
          Cho đến ngày, cha con ông thầy lang Thành chuyển về đây sinh sống, chị hình như ít hoài niệm về lời hẹn của chồng. Có những điều bất ngờ vừa như vô hình lại vừa hiện hữu, khiến chị phải phân tâm. Ông Thành tàn tật, dị hình đối với chị thật xa lạ. Vậy mà có những lúc chị giật mình bởi ánh mắt quá đỗi gần gũi thân quen của ông. Thỉnh thoảng ông Thành lại bị lên cơn do di chứng của vết thương ở đầu. Những lúc ấy, người ta nghe tiếng ông la hét, cùng những lời của trận mạc: “Bắn! Nhắm trúng đích mà bắn! Bom nổ. Nằm xuống!…, người ta còn nghe cả những tiếng gào thét của ông: “Hãy để tôi chết, tôi chết…”. Lần đầu, cả xóm đến để cấp cứu, sau thì họ quen dần. Có gì đâu mà phải cấp cứu. Với tấm thân tàn tạ, nhỏ nhoi, chân tay thiếu hụt thế kia, ông còn chạy đi đâu, đập phá được gì? Những lúc ấy, cậu con trai chỉ cần ngồi ôm chặt lấy ông, để ông dãy dụa một hồi rồi lịm đi. Riêng chị, lần nào cũng vậy, nghe tiếng hét của ông là chị chạy sang, chứng kiến cơn vật vã của ông. Ít nhất chị cũng làm một việc như vắt khăn lau mặt cho ông, để rồi mỗi lần ông tỉnh, chị lại giật mình bởi ánh mắt thôi miên của ông. Ánh mắt lúc bình thường không bao giờ ông nhìn chị như vậy.
          Một  lần chị ốm liệt gường, ông đích thân đến tận nhà bắt mạch cho chị. Ngồi trên xe lăn do con trai đẩy tới, ông còn mang theo chiếc nạng gỗ. Ra hiệu cho chị cứ nằm nghỉ, ông chống nạng đến trước bàn thờ mẹ chồng và chồng chị. Con gái của chị đốt nén hương đưa cho ông. Một tay ông run run nâng nén hương ngang mặt, miệng lâm râm điều gì không ai nghe được, chỉ thấy phía vai bị mất một cánh tay của ông lệch hẳn xuống rung rung. Lúc sau, ông quay lại phía chị, nhìn ra sau vườn, mắt bỗng dừng lại nơi cây khế… Chị lướt nhìn ông. Một bộ mặt kinh dị, nhăn nheo những vết sẹo kéo đến cả hai vành tai. Cánh tay trái cụt sát nách buông thõng tay áo bộ đội bạc màu. Nửa ống chân phải bị cụt được thay chân giả xỏ cẩn thận trong chiếc dầy ba-ta đã mòn vẹt gót… Chị cố tưởng tượng lại dáng vóc của một thời trai trẻ, nhưng không thể được, tất cả điều đã méo mó, dị dạng đến kinh người. Ông vẫn mải mê nghĩ ngợi điều gì đó, mắt không rời cây khế. Lòng chị trào lên một cảm xúc vừa xót thương, vừa thán phục. Không kìm được, nước mắt chị tuôn rơi. Nghe tiếng thổn thức, ông giật mình dứt khỏi luồng suy nghĩ. Hình như hiểu nỗi niềm của chị, ông nhỏ nhẹ: “Bình tâm lại, để tôi bắt mạch”. Những ngón tay của ông đặt lên cổ tay chị. Như có dòng điện chạy khắp người, chị rùng mình, mắt nhắm nghiền. Ông thở dài: “Suy nhược cơ thể, thần kinh bất an, cần phải dưỡng sức …”. Chị cố nghe thật rõ từng âm điệu phát ra từ giọng nói của ông như muốn tìm một cái gì đó quen thuộc, nhưng không thể. Vành môi bị sẹo kéo lệch một bên làm giọng nói của ông bị đơ như người thụt lưỡi …
          Ông về rồi, chị thấy buâng khuâng, người nhẹ hẳn. Bà con ở đây thường nói: “Thầy Thành tuy tàn tật mà bốc thuốc mát tay lắm. Từ người già đến con trẻ, hễ được thầy chữa trị đều mau khỏi bệnh”. Sau lần ấy, chị có khoẻ hơn, thỉnh thoảng ông lại gửi thuốc sang cho chị. Những lúc ấy chị bần thần nghĩ ngợi. Thực ra cha con ông về làng tính đã gần bốn năm nhưng chị ít khi trò chuyện với họ, hoạ hoằn lắm mới hỏi thăm vài lời sau mỗi lần ông lên cơn. Vậy mà không hiểu sao hôm ấy chị đã kể ông nghe chuyện cây khế cùng ước vọng của  mình: “Giá gì nhà em còn sống trở về …”. Chị không ngờ đã vô tình chạm vào nỗi đau của ông: “Trở về mà tuyệt tự, tàn tật  như tôi chỉ làm mọi người thêm đau lòng. Nếu không vì danh dự một người lính, tôi đã tự sát ngay sau khi ra khỏi trạm quân y…”. Chị thấy đắng ngắt ngay đầu lưỡi, lòng nghẹn tắc, chị không giám nói tiếp với ông điều mà đã có lúc chị nghĩ: “Anh ấy trở về, dù có tàn tật thế nào mình cũng cam lòng”.
          Đèn bật sáng, con gái chị về, nó ăn qua quýt bát cơm, tắm rửa rồi lên giường ôm choàng lấy chị. Nó thủ thỉ: “Mẹ đợi con lâu lắm phải không? Bác Thành ốm nặng, con ở bên ấy suốt chiều nay. Bác cứ giữ con ngồi nói chuyện với bác, lại hỏi con nhiều điều. Bác mừng vì con và Kiên yêu nhau. Bác nói, anh Kiên không phải là con đẻ của bác. Cả nhà anh Kiên bị bom chết chỉ còn anh ấy với ông nội. Bác Thành được ông nội Kiên truyền nghề bốc thuốc gia truyền. Khi ông nội mất, bác mới đưa anh Kiên về đây … bác mời mẹ mai sang bên ấy để chính thức nói chuyện của chúng con, bác mong mẹ thông cảm chấp thuận vì bác mệt không thể qua nhà mình được”.
          Con gái chị vô tư, nói chuyện một mạch rồi nó ngủ thiếp đi. Từ lúc nghe nó nói ông Thành ốm nặng, Kiên không phải con đẻ của ông, trong đầu chị không thể cưỡng lại ý nghĩ đang mỗi lúc một rõ nét. Chị nhớ lại lần ấy, khi nghe kể đến lời hẹn của chồng chị, nét mặt ông thật đau khổ, giọng ông run run, ngắt quãng: “Tôi nghĩ, đó chỉ là lời hẹn của tuổi trẻ, không lường hết được sự tàn khốc của chiến tranh. Cô Lệ còn trẻ, hãy nhìn vào thực tế, đừng trói buộc đời mình chỉ vì một lời hẹn quá huyền thoại như vậy. Đối với người lính chúng tôi, lời hẹn trước lúc ra chiến trường thực sự có một sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, bom đạn… Nhưng cũng từ chiến trường ác liệt, với chết chóc thương vong, chúng tôi càng thấm hiểu sự chờ mong vô giá của những người thân nơi quê nhà bởi lời hẹn ấy. Trong chiến tranh tất cả mọi cái đều có thể…”. Đúng! Trong chiến tranh mọi cái điều có thể xảy ra. Vì vậy, đã có lúc chị nghĩ: Biết đâu chồng chị cũng là một trong những trường hợp báo tử nhầm ? Nhưng thời gian đã làm tắt dần hi vọng mong manh đó, bởi đã gần mười năm hòa bình anh nào có trở về. Thế mà giờ đây… Chị thiếp dần đi chập chờn trong nỗi ngờ vực và hy vọng. Chợt chị choàng tỉnh, nghe như có tiếng gọi tên mình, chị lay mạnh con gái: “Có đúng Kiên không phải con của bác Thành không? Có phải bác Thành mời mẹ sang bên ấy?”, Con gái chị vẫn còn mơ ngủ. Chị lao xuống gường lẩm bẩm: “Đúng rồi, có tiếng gọi mình”…  Mở cửa, chị chạy vụt ra ngoài. Trăng đã chệch hẳn về phía cuối trời nhưng vẫn sáng vằng vặc, soi rõ bóng chị băng băng qua thửa ruộng vừa mới gặt. Chẳng còn biết có trăm ngàn gốc rạ đâm ngược lên gan bàn chân, chị lao đi, gió bên tai thổi ù ù. Phía bờ sông là ngôi nhà của cha con ông Thành, đèn vẫn sáng, chị đẩy tung cửa và kịp nghe:
- Lệ! Lệ ơi! Em ơi! Con gái của…
Chị nhào tới bên gường.
- Anh Thiện! Anh Thiện ơi!…
          Búi tóc chị xổ tung phủ đầy khuôn ngực gầy lép của anh, chị vùi mặt mình vào mặt anh. Tấm thân lạnh lẽo của anh làm chị bàng hoàng, buốt nhói trong tim. Chị áp tai vào ngực anh, nơi ấy chỉ còn nghe những tiếng đập quá thưa thớt, khẽ khàng. Chị cuống quýt, nước mắt đầm đìa.
- Không thể như thế! Không thể ... Trời ơi! Có lẽ nào…?
Anh cố nhấc bàn tay còn lại đặt lên đầu chị, nhè nhẹ thả trôi theo mái tóc dài như cử chỉ vuốt ve âu yếm ngày nào, miệng mấy máy.
- Trời còn thương… Nếu em không đến kịp… Chúng mình sẽ… Không được … Nhìn nhau… Lần  cuối…
- Anh! Anh ơi! Còn con gái của chúng ta…
Vừa lúc con gái chị ùa vào.
- Mẹ ơi! Thế là thế nào…?
- Con ơi! Bố Thiện của con đây. Ông đã trở về đây…
Chị nấc lên, ngất lim.
Bố, Bố ơi! Mẹ ơi! Trời ơi!…
        Ông Thành vẫy tay yếu ớt ra hiệu cho Kiên cầm quyển sổ tay đã sờn góc và hộp nữ trang đến bên cạnh. Ông níu tay con gái đặt chồng lên tay Kiên đang cầm những kỷ vật.
         Đây là … tất cả… những gì… bố còn… để lại… cho… con…
         Đám tang ông thầy lang Thành được cả làng đưa tiễn. Ngày ấy cách đây đã tròn mười năm, chị bây giờ vẫn là một quả phụ đang vào tuổi năm mươi. Từ dạo ấy, cây khế sau vườn trút hết lá như thể đã làm tròn sứ mạng cho một lời hẹn ước. Giờ đây, nó chỉ còn là thân cây trơ trụi, dầu dãi nắng mưa để minh chứng cho một tình yêu bất tử.
                                         Nha Trang
                                                           10-11-1996
                                                                                                              


Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011


Lẽ nào
         (Nhân  Đọc bài thơ “Lỡ” của Nguyễn Chính)

Tình xưa chàng lỡ nhịp cầu*
Chuyện trăm năm để thiếp đau đớn lòng
Trách mình duyên có tình không
Trách trời sao nỡ tơ hồng buộc duyên
Để cho ván đã đóng thuyền
Giữa dòng chở nặng lời nguyền mới hay:
Tương tư chàng mãi đắm say
Nghĩa xưa tình cũ với ai lỡ làng…
Tủi thân thiếp kiếp dã tràng
Sóng tình xô dạt bẽ bàng lắm thay:
Chín* làm chi để đắng cay,
Để chàng phải ước ngọt thời còn xanh?*
Bấy lâu bên thiếp ân tình
Lẽ nào … chàng vẫn bóng hình với ai?!

                                       Nha Trang – 1994

* Là những ý có trong bài “Lỡ”:
…Để khi trắng nửa mái đầu
Mới hay mình lỡ nhịp cầu thuở xưa…
…Chín trong anh một trái đời
Ước gì ngọt được cái thời còn xanh.


CHA VÀ DÌ
                                                             
                                                        Truyện ngắn của Minh Hương



Theo hướng chỉ của một bà cụ, tôi rẽ vào ngõ có hàng rào tóc tiên. Những nụ hoa dài nhỏ như lũ chuồn chuồn ớt đậu rải rác dọc bờ rào trông thật vui mắt. Cổng nhà không đóng, tôi se sẽ dắt xe vào và dừng lại bên ngoài. Sâu trong sân, bên mấy khóm nhài, một người đàn bà chừng bốn bảy, bốn tám tuổi đang mải miết hái những bông hoa nhỏ xíu, trắng muốt bỏ vào chiếc ly thủy tinh. Mặt trời buổi sáng lách qua giàn thiên lý, buông mấy chùm hoa nắng nhảy nhót trên sân.
Người đàn bà không biết có người lạ, vẫn tiếp tục vén lá tìm những bông hoa bị che khuất. Không gian yên tĩnh mà sống động. Hương thơm của hoa lá còn hơi sương thật dễ chịu. Trạng thái căng thẳng của tôi trước lúc đến đây chùng hẳn xuống. Tôi ngờ ngợ, người đàn bà này mình đã gặp ở đâu? Đúng rồi! Hoa nhài …
Khi cha tôi bệnh nặng đang nằm viện, có một thiếu phụ đã đến thăm cha. Tôi bước vào phòng chỉ kịp nghe cô ấy nói “Em về”. Thấy tôi, cô gật đầu chào và vội vã đi ra. Tôi đến cạnh cha, thấy trên kệ tủ nhỏ đựng đồ có mấy chùm hoa nhài còn tươi nguyên lá, cắm trong chiếc bình nhỏ xíu, trong suốt, chỉ có ở phòng thí nghiệm hoặc phòng pha chế hóa chất. Bình hoa nhỏ nhắn, ngộ ngĩnh thật dễ thương. Hình như cha tôi đang mơ màng hít sâu hương thơm thoảng dịu của hoa. “Ai vậy cha?” Ông giật mình, lúng túng :“À… cô ấy cùng cơ quan với cha trước đây”. Lúc ấy tôi còn nhỏ, chẳng biết gì …
Vậy là thiếu nữ có đôi mắt lá răm đang nhìn như thôi miên vào chùm hoa nhài trong tấm ảnh mà tôi đang giữ, người thiếu phụ với những bông hoa nhài đến thăm cha tôi ngày ấy và người đàn bà đang lặng lẽ hái hoa nhài trong sân kia là một. Người ấy đã từng đi qua cuộc đời của cha tôi. Nhưng hoa nhài có duyên nợ gì với bà nhỉ? Đó chỉ là sự trùng lặp tình cờ hay còn một lý do nào khác? Ý nghĩ bất chợt ấy khiến tôi có dự cảm cuộc gặp gỡ với bà không chỉ dừng lại ở ý định lúc đầu. Tôi cất tiếng chào cũng dễ dàng, không đến nỗi nặng nề như tưởng tượng khi ở nhà.
- Chào dì ạ!
Bà nhìn lên, nét mặt bỗng thảng thốt. Mãi mới thấy bà trả lời:
- Vâng ! chào …
- Con là con gái của cha …
Bà giơ hai tay ôm hai bên thái dương, thốt lên:
- Ôi! Thảo nào, chúng nó giống nhau quá …
Rồi  như chợt tỉnh bà nói :
- Ta vào nhà đi con!
        Căn nhà thật gọn gàng, sạch sẽ. Mọi thứ bàn ghế, giường tủ đều đóng đơn giản, được sắp xếp hợp lý nên căn nhà tuy nhỏ nhưng không thấy chật chội. Tôi nhìn khắp một lượt, chợt dừng mắt ở góc nhà bên phải, cạnh cửa sổ nhìn ra vườn, trên chiếc bàn nhỏ, bên chồng sách xếp ngay ngắn là ảnh một cô gái. Thoạt nhìn, tôi cũng phải thừa nhận: “Giống mình thật”.
Dì đưa tận tay tôi ly nước.
-  Con uống đi, trà hoa nhài thơm lắm …
       - Tôi đón ly nước, lặng lẽ nhấp từng ngụm nhỏ. Dì lau lau chiếc khăn lên mấy chỗ nước ướt, mắt nhìn xuống chờ đợi. Búi tóc còn dày dặn ôm gọn sau gáy, trông dì thật phúc hậu. Chắc lúc còn trẻ bà có duyên lắm. Tôi nghĩ đến cha, “Không trách, ông đã yêu bà”. Tôi lấy trong túi ra một tấm ảnh:
- Trước lúc qua đời, mẹ con dặn lại: Con tìm gặp người trong ảnh, đưa lại cho cô ấy tấm ảnh này và xin cho em nó được về nhận cha trước bàn thờ ông ấy. Trước khi mất, cha con đã đưa cho mẹ tấm ảnh cùng địa chỉ cô ấy. Ông nói có một câu “Cô ấy chỉ có hai mẹ con”. Đọc những dòng chữ cha con viết sau tấm ảnh, mẹ hiểu cha con muốn nói gì với mẹ. Nhưng rồi mẹ cứ lần lữa mãi không làm nổi điều đó …
       Dì run run đón tấm ảnh từ tay tôi. Thời gian làm nước ảnh ngả màu, mấy câu thơ cha tôi chép  của một nhà thơ nào đó ở mặt sau cũng đã nhạt nhòa màu mực, tôi đã cố đọc và thuộc lòng:
                                       “Trái tim ta cỗi cằn đá sỏi
                                   Chợt trào lên như có bão trong lòng
                                   Ôi! Tình lặng, tóc tơ còn vương vấn
                                   Xa nhau rồi, ai có nhớ ai chăng ?…
Dưới mấy câu thơ đó ông còn ghi: “Ta mãi mãi có lỗi với em”. Áp tấm ảnh lên ngực, dì lẩm bẩm nói với tôi nhưng thực ra là nói với riêng mình :
        - Cha con không có lỗi với dì !
Tôi không hiểu được, vì sao thế nhỉ? Chính mẹ tôi cũng nói với tôi: “Cha con không có lỗi nhiều với mẹ”. Từ khi biết chuyện của cha, dù rất yêu kính cha, tôi vẫn cho rằng cha có lỗi nhiều với mẹ  và dì. Như đọc được suy nghĩ của tôi, dì nói tiếp :
- Nếu con biết, dì đã từng yêu cha con đến mức nào, đã đau đớn đoạn tuyệt mọi ràng buộc với ông như  thế nào, con sẽ hiểu. Giữa dì và cha con, không ai là người có lỗi. Nhưng dì hiểu rõ, chính tình yêu cuồng nhiệt, cháy bỏng của tuổi trẻ nơi dì ngày ấy đã làm cha con lỗi đạo. Do vậy dì đã cắt lòng chịu đựng vì tình yêu của mình. Đó là sự thật hơn hai mươi năm qua. Nếu biểu cảm đỉnh điểm trong tình yêu là sự hòa quyện hai người với nhau để thăng hoa tái tạo nên một sinh linh mới, được gọi là hạnh phúc lứa đôi, thì đối với tình yêu của dì và cha con, đó lại là sự đau khổ tột cùng. Bởi thế, lỗi lớn nhất của dì và cha con là đối với bé Nhài. Nếu không có lòng nhân từ vị tha của con, sự chấp nhận với việc làm nhân đức của con hôm nay, thì cả đời dì phải ân hận. Dì đã hết lòng vì cha con để nuôi dạy bé Nhài, nhưng tình phụ tử thì không thể thay thế…
Nhài đang học Khoa hóa, trường đại học Tổng hợp. Biết em tuần này không về vì đang thực tập tốt nghiệp, tôi vẫn nán lại với dì một ngày. Đêm ấy dì nói hết những điều bấy lâu đã âm thầm dồn nén tận đáy lòng với tôi,  người đầu tiên được dì thổ lộ.
          Dì được điều về làm y tá trực ở cơ quan Nông trường bộ. Lúc đó cha tôi đang là trưởng phòng kế hoạch. Dù biết ông đã có gia đình nhưng tình yêu giữa hai người vẫn nảy nở một cách thầm kín không thể cưỡng lại. Ông đã ở tuổi bốn mươi, hơn dì mười lăm tuổi. Khi dì biết có sự khác lạ trong cơ thể mình, cũng là lúc cha tôi nhận được quyết định đề bạt phó giám đốc. Qua nhiều đêm không ngủ, dì gặp cha tôi giao ước: Một là, cha tôi không được lui tới với dì nữa, để dì tự lo liệu, tuyệt nhiên không để lộ chuyện hai người. Hai là, nếu cha tôi làm khác đi thì dì sẽ quyên sinh. Ngày ấy, cơ quan nhiều lần kiểm điểm nhưng không ai biết được điều gì hơn ngoài một điều, dì không chồng mà vẫn sinh con. Nhờ có sự bảo lãnh của người anh ruột ở phòng tổ chức cán bộ tỉnh, dì được chuyển về bệnh viện đa khoa của một huyện ngoại thành Hà Nội. Từ một y tá giỏi, dì vừa làm vừa học thêm, trở thành y sĩ rồi bác sĩ. Còn cha tôi, sau năm năm làm phó giám đốc, ông tiếp tục được đề bạt giám đốc hơn mười năm thì qua đời. Dù đã hứa với sự giao ước của dì, nhưng cha tôi vẫn liều đến thăm mẹ con dì một lần trước lúc dì chuyển đi. Ông đã ôm ghì bé Nhài mới ba tháng vào lòng khóc nức nở và nói “Cha rất tin mẹ sẽ lo chu toàn cho con, nhưng …”. Ngày đến tuổi đi học, ông tìm đến bệnh viện, buộc dì phải nhận một số tiền nuôi con ăn học để ông đỡ tủi lòng. Ông không có ý định gặp con vì không muốn phải nói với con những điều không thật. Cũng vì vậy, lần cuối cùng đến thăm ông ở bệnh viện, biết cha tôi không thể qua khỏi nhưng dì vẫn không dẫn Nhài đến gặp cha, em còn quá bé để hiểu mọi chuyện. Dì chỉ có thể cho em biết tất cả khi đã trưởng thành.
          Tôi không thể phủ nhận những gì cha đã dành cho năm anh em chúng tôi. Cha là niềm tự hào, là đấng anh minh, là người cha tôn kính rất mực thương yêu của chúng tôi. Tôi là con gái duy nhất, lại là út luôn được cha chiều chuộng. Nhiều khi tôi được ông ôm thật lâu, thơm thật nhiều, thật dài. Tôi thấy mình thật sung sướng. Phải chăng những lúc ấy, cha muốn tôi nhận tình thương yêu của cha cho cả em Nhài. Từ bé tôi cũng chưa bao giờ nghe mẹ phàn nàn gì về cha, nên khi biết chuyện cha và dì, tôi không muốn chấp nhận một sự thật về cha. Trước khi đến đây, tôi vẫn không sao gạt nổi định kiến không tốt với dì. Nhưng giờ đây tôi đã khóc, khóc trong tắc nghẹn, nức nở, có lẽ cả đời tôi chưa bao giờ khóc như vậy. Ôi! Để làm được những gì cho em Nhài, cho cha tôi và cho bản thân mình hôm nay, dì tôi đã phải đau khổ, dầu dãi theo thời gian nghiệt ngã. Tôi nghĩ, nếu phải chết cho tình yêu thì điều đó còn dễ hơn ngàn lần so với sự hi sinh, chịu đựng và vượt lên của dì. Lúc này tôi mới thấm thía lời tâm sự của mẹ: “Cha và mẹ lấy nhau không có tìm hiểu yêu đương. Khi cha con còn đang học trên trường huyện, gia đình đã dạm ngõ mẹ cho ông qua mối mai. Đến ngày cưới, cha mẹ mới biết mặt nhau. Mẹ nghĩ, chuyện cha con có yêu một phụ nữ nào khác cũng là chuyện thường. Nhưng cha con vẫn công thành danh toại, gia đình êm ấm thì cố ấy phải là người hiểu biết và thật tử tế …”. Nghe mẹ nói, tôi vẫn nghĩ, mẹ quá nhân từ và vị tha mà nói vậy. Bây giờ thì tôi hiểu … Trong tôi đau đáu một nỗi niềm, không ngọt ngào nhưng thật hạnh phúc. Giờ đây, anh em chúng tôi còn có dì và em Nhài, một phần cuộc đời của cha tôi … .
          Sáng hôm sau, dì tiễn tôi ra cổng, qua mấy khóm nhài đầy hoa thơm ngát, tôi chợt hỏi chuyện duyên nợ với hoa nhài của dì. Mắt dì trở nên xao xuyến, bâng khuâng. Tôi nghe tiếng dì như gió thoảng.
- Cha con rất thích trà ướp hoa nhài…
            Tôi thầm nghĩ, “Còn mẹ và anh em chúng con vẫn nghĩ cha chỉ thích nước chè xanh”. Xe đã đi qua khỏi ngõ, mùi hương nhài vẫn vấn vít theo sau. Hít một hơi thật sâu, tôi thầm nói với mình “Con cảm ơn dì thật nhiều”…

                                                                        Nha Trang
                                                                       24/9/1996


Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011


NGỌT BÙI

          Tròn một năm ngày cưới, anh bày lên bàn lẵng hồng nhung và dĩa kẹo lạc. Mắt chị ánh ngời hạnh phúc. “Nhà mình nghèo, anh bày biện làm chi?”. Anh ôm chị vào lòng: “Nhà mình nghèo nhưng tình mình không nghèo, anh rất thích vị ngọt bùi của kẹo lạc và cái đẹp đằm thắm của hoa hồng”…

       Hai mươi năm sau, chị thức chờ anh. Khuya lắm, anh về mang theo hơi men và mùi son phấn. “Sao chưa ngủ?”. Chị nhìn anh thật lâu: “Không biết vì sao ư?” Anh ngẩn người rồi lẩm bẩm: “À, à…còn nhớ, còn nhớ…” Rất vô tình, anh chuyển dịch lẵng hồng nhung và dĩa kẹo lạc mà chị đã bày sẵn sang một bên, mở tủ lấy ra bình hoa hồng bằng đá quý, những gói bánh kẹo ngoại đắt tiền đặt vào giữa bàn. Giọng anh lè nhè: “Bây giờ chúng mình rất giàu và tình … mình …” cánh tay nặng trĩu của anh tuột khỏi vai chị, người đổ lên lưng dựa của xalông, chỉ còn nghe tiếng phì phò…
          Chị ngồi yên như tượng, ánh mắt lạnh lẽo vô hồn, nhòa dần, nhòa dần… Hương thơm nhẹ nhàng của hoa hồng cùng dư vị ngọt bùi của kẹo lạc không làm dịu đi nỗi cay đắng trong lòng chị!

                                                                    Minh Hương - 21/01/99

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

BẾN BỜ

Ngày ấy, một lần chúng mình tranh cãi                        
Sự khác nhau giữa bến và bờ                                         
Anh khăng khăng: Bến khác bờ nhiều lắm!                   
Em lắc đầu: Cũng chỉ một mà thôi
                                                                    
Dòng thời gian xô sóng bạc đầu
Giờ ngẫm lại mới thấm điều em nói
Thuyền tình anh lênh đênh sóng bể
Bạc tóc rồi không tới được bến bờ em.

Nha Trang - 3/1999

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

PHƯỢNG HỒNG
                                                        Truyện ngắn: Minh Hương



          Vị chát ngọt của nước chè xanh làm tôi vơi đi nỗi bồn chồn. Bên quầy bán sách báo, tiếng hát từ băng catset lại cất lên.
          “…  Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
                Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
                Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám …”
          Bà chủ quán nước nói vọng sang:
- Hết bài hát rồi hay sao mà từ sáng đến giờ chú mở mãi có một bài thế?
Gã bán sách đang xếp lại mấy quyển sách cười hề hề:
- Bác ơi! Bác có thấy bọn trẻ đang túm tụm trong sân trường kia không? Chúng chuẩn bị chia tay nhau trước khi từ biệt trường phổ thông đấy. Trong đám các chàng trai ấy, khối anh đang ngơ ngẩn vì các nàng tiên từ cung trăng xuống đang lả lướt trong tà áo dài thướt tha kia kìa. Rồi vài hôm nữa thế nào cũng có mấy anh đến đây, khắc nỗi nhớ nhung của mình lên cây phượng vĩ già này. Ngày xưa cháu cũng đã từng ngẩn ngơ vì một nàng cùng lớp. Nhưng nàng quá vô tình để  đến bây giờ “Cây si” ngồi đây bán sách, còn nàng làm bác sĩ, lấy chồng giáo sư ở tận trên thành phố. Thế nhưng, mỗi khi hè về, nhìn lũ trẻ líu ríu nhau là cháu lại thoáng nhớ về nàng. Có lúc còn nghĩ ông nhạc sĩ sáng tác bài hát này là để tặng riêng cho cháu đấy…
          Gã lại cười hề hề, mắt nháy về phía tôi. Tôi cũng mỉm cười như muốn chia sẻ với gã nhưng trong lòng còn đang mãi ngược về những kỷ niệm của riêng mình…
          Tôi hơn em hai tuổi, học trên em một lớp. Chúng tôi thân nhau vì cùng ở đội văn nghệ của trường. Tình bạn hồn nhiên giữa chúng tôi bỗng chuyển gam từ buổi tối biểu diễn hôm ấy… Tiết mục mở màn là vũ khúc “Bên đầm sen”. Đèn sân khấu bật sáng. Chín cánh sen hồng từ từ hé nở. Em hoá thân làm nhụy, khoe hương sắc với đời. Khuôn mặt em bừng sáng lung linh, Tôi cảm thấy hương thơm của hoa sen đang lan tỏa quanh mình … Tiếng vỗ tay vang dội, tốp múa ùa vào hậu trường. Tôi đón em ngay bậc lên xuống.
- Thật tuyệt vời, em là nàng tiên vàng…
Đang xúc động với thành công trong vai múa của mình, em thêm cảm kích trước lời khen của tôi. Anh mắt chúng tôi chạm nhau cùng ngỡ ngàng, lúng túng. Tôi ngập chìm trong cảm xúc kỳ diệu trước đó chưa có bao giờ. Chẳng biết chúng tôi sẽ còn đắm đuối bao lâu, nếu không phải nhường chỗ cho mọi người lên xuống.
Cảm xúc lạ với em đêm ấy làm tôi vơ vẩn hết mấy ngày. Tôi hay tìm cớ để gặp em. Còn em, hình như đã quên giây phút thần tiên ấy, có vẻ hơi buồn và thường tránh ánh mắt của tôi. Những buổi tập văn nghệ sau đó, em thường bắt tôi đàn để em hát bài “Mối tình câm”. Bài hát nói về tình yêu đơn phương của một người lính. Lúc còn ở nhà, chàng thầm yêu một cô học sinh vẫn thường che nón đi học qua nhà chàng. Vì ngại ngùng mà chàng chưa một lần dám gặp nàng để tâm tình. Khi ra chiến trường nhớ về nàng, muốn viết thư về thổ lộ thì tiếc thay, chàng chưa hề biết tên nàng… Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy em mới mười bảy tuổi mà có thể cất lên giọng ca thống thiết đến thế khi hát bài hát này?
Rồi ngày lớp đàn anh chúng tôi ra trường đã đến. Đội văn nghệ tổ chức chia tay. Trò chơi trước khi ra về của chúng tôi là “Kết mũ tặng nhau”. Trên sân trường ngập nắng, chúng tôi quây quần dưới gốc phượng, chia nhau từng cặp trai gái. Tôi quyết định sẽ nói với em điều thiêng liêng nhất. Em đội cho tôi chiếc mũ kết bằng lá phượng, màu xanh biếc tượng trưng cho mũ Hoàng tử, tôi nhẹ nhàng đặt lên đầu em chiếc mũ kết bằng hoa phượng thắm đỏ như vương miện của công chúa. Tôi nhìn sâu vào đáy mắt em thầm thì: “Anh muốn nói với em điều này.”. “Gương mặt đang tươi như hoa của em bỗng u buồn khác lạ. Em lắc đầu van vỉ: “Anh hãy đứng nói gì…”. Đôi mắt em ngấn lệ. Tôi sợ giọt nước mắt kia sẽ tràn qua bờ mi cong vút của em. Tôi muốn đặt lên mắt em nụ hôn đầu đời. Nhưng làm sao tôi có thể …
Chia tay em, tôi đau khổ hụt hẫng, xong không có nhiều thời gian để chết chìm trong thất vọng. Tôi lao vào ôn thi đại học, nghĩ rằng em cũng như tôi còn quá trẻ. Trước mắt, em còn cả một năm cuối của tuổi học sinh bồng bột. Thi đại học xong, tôi đến nhà tìm em thì được biết, bố em đã chuyển trường gửi em lên thị xã học. Tôi hỏi thăm địa chỉ, bố em lắc đầu nói: “Em nó còn phải học”.
Năm sau, từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi vui vẻ về quê nghỉ hè, hy vọng sẽ được cùng em vui chơi trong một tháng,  nhưng em lại ở luôn trên thị xã để học thêm về vũ nhạc. Tôi buồn quá, thường ôm đàn hát một mình. Lúc này tôi mới thấm thía nỗi nhớ em. Hơn một năm qua, mải lo học hành thi cử, làm quen với môi trường mới, những gì xảy ra giữa tôi với em, tuy có làm tôi buồn khổ nhưng rồi nó cũng trượt đi không đến nỗi nặng nề. Trước khi trở lại trường, tôi muốn viết thư để lại cho em nhưng không làm sao viết nổi. Tôi vốn rất sợ nước mắt. Tôi sinh ra không biết mặt bố mình, ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại tôi ở vậy nuôi hai người con gái. Nhiều lúc đi học về, tôi bắt gặp bà và mẹ đang sụt sùi, mắt đỏ hoe. Thỉnh thoảng dì tôi lấy chồng xa về thăm nhà,  những lúc ấy, tôi lại thấy bà, mẹ tôi và dì ôm nhau khóc… Sau đó dì tôi bồng bế ba đứa con nhỏ về ở luôn với bà ngoại và mẹ tôi.  Chồng của dì, sau một lần say rượu đã đốt nhà rồi bỏ đi luôn … Vì sống trong cảnh gia đình như thế nên tính tôi hay nhút nhát. Nước mắt đàn bà đối với tôi là những gì bí ẩn. Bởi vậy, cứ nhớ đến đôi mắt ngấn lệ của em trong lần chia tay ấy, tôi không đủ can đảm để viết cho em điều mà em đã xin tôi: “Anh hãy đừng nói gì…”
Mấy tháng sau, hỏi thăm bạn bè, tôi biết em đang học đại học sư  phạm, tôi đến tìm em. Gặp tôi, em mừng rỡ, rối rít hỏi tôi đủ điều rồi như sực tỉnh điều gì, không để tôi hỏi lại, em mời tôi vào phòng, giới thiệu tôi với các bạn là anh họ đến thăm. Lúc ấy, tôi như người rơi xuống vực, chỉ ngồi một lúc tôi xin phép ra về. Em tiễn tôi với đôi mắt buồn thẳm. Tôi hỏi em tại sao giới thiệu tôi như vậy, em chỉ im lặng lắc đầu. Tôi biết mình không thể nói gì hơn nên hẹn em sẽ gặp lại… Nhưng chỉ ba ngày sau đó, tôi nhận được thư em. Thư viết có mấy dòng: “… Anh đừng  đến gặp em nữa, vì em biết anh sẽ rất đau khổ. Bố em đã nhận lời dạm ngõ của nhà người ta. Học xong ra trường là em có chồng…”. Những dòng chữ có nhoè vết ố, tôi biết đó là nước mắt của em. Tôi chết lặng trước sự thật phũ phàng. Trong tiềm thức sâu xa, tôi nghĩ có uẩn khúc gì đó đối với em. Nhưng còn tôi? Trời ơi! Em đối với tôi thân thiết, gần gũi là thế mà rốt cục, tôi cũng chẳng hơn gì anh chàng trong bài hát “Mối tình câm”. Tôi cũng biết em nào có vô tình, hơn tất cả mọi người, em hiểu rất rõ tiếng đàn của tôi nói gì, vậy mà hè về, tôi vẫn phải đến trường, khắc tên em lên cây phượng ngày nào chúng tôi từng bẻ lá, hái hoa kết mũ tặng nhau… Tôi xót xa cho bản thân mình, thề với lòng mình sẽ không bao giờ gặp lại em, dù biết không thể trách em. Giữa chúng tôi nào có hứa hẹn gì…
Tôi giật mình nghe bà chủ quán nước nhắc.
- Này anh! Hội đồng nhà trường họp xong rồi kìa.
Tôi đứng bật dậy, bước nhanh đến cổng trường. Em là người ra sau cùng. Trong chiếc áo dài màu vàng yến, em vẫn xinh đẹp lạ lùng. Không chú ý xung quanh, em định lên xe. Tôi vội chặn ngang lối.
- Phượng!
Em sững sờ
- Anh Lương!…
- Anh đợi em đã gần một tiếng đồng hồ, chỉ còn nửa giờ nữa anh phải đi, chúng mình quay vào trường nói chuyện…
Sân trường ngập nắng, vắng vẻ. Chúng tôi bước nhanh về dãy các phòng học ba tầng. Đó là nơi trước đây Trường hay dựng sân khấu để tổ chức văn nghệ hay các buổi sinh hoạt lớn. Kỷ niệm ùa về, tôi chưa biết bắt đầu thế nào thì em đã chủ động nói trước.  
- Em vẫn hoài mong có một ngày được gặp lại anh. Vậy mà hôm nay em vẫn thật bất ngờ! Sau khi tốt nghiệp, em xin về trường cũ dạy. Lúc ấy anh đã chuyển cả gia đình về quê cũ. Qua bạn bè, em được biết mãi sau này anh mới lấy vợ, nhưng cô ấy đã bỏ anh theo gã chủ tiệm vàng, vì cho anh là “tẩm”, suốt ngày cứ  ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Em nghĩ, thế là trời buộc em mang nợ với anh rồi…
-   Thôi em, hãy quên chuyện của anh đi, cô ấy bỏ anh là tại anh… Ngày mai anh sẽ chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh hy vọng vào trong đó, cuộc sống sẽ đỡ khắc nghiệt với anh hơn. Song anh biết, nếu không gặp em trước khi đi xa, anh sẽ không sao thanh thản được, cũng như hơn mười năm qua, anh vẫn không hiểu vì sao ngày ấy…?
Em không nhìn tôi, tay vít cành phượng là đà sát lan can, ngắt một lá, bứt vụn thả cho chúng bay lả tả.
- Anh đã biết, bố em cảnh gà trống nuôi con. Em là con gái, ông để mắt từng li, từng tí. Ngay sau buổi tối biểu diễn văn nghệ hôm ấy, ông gọi em đến ngồi trước bàn thờ mẹ em dạy: “Con là con gái, đã lớn, phải biết giữ mình, lo học hành. Chuyện trai gái bố cấm tuyệt đối. Mẹ con mất đi, đã gửi gắm con cho nhà bác Đạt, bố con mình phải làm theo để vong linh mẹ con được thanh thản. Thằng Lương là con nhà không có bố, như nhà không có nóc, phải biết nhìn xa con ạ…”. Lời nói của bố như ngọn roi quất vào trái tim non nớt của em, nó đau đớn, quằn quại … Em nhớ lại, có lần vợ chồng bác Đạt về thăm nhà em, bác gái đã buột miệng nói với em: “Con dâu của bác càng lớn đẹp quá”. Lúc ấy, em nghĩ bác chỉ đùa nhận em cho Dũng con trai của bác. Nhưng bây giờ em biết đó là sự kết giao giữa hai gia đình từ trước. Em không tin bố em vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến đến thế, song đó là sự thật. Ông tìm mọi cách để tách em và anh, không cho em đi tập văn nghệ, em không chịu đòi nghỉ học… Ngày hè đó, ông bắt em chuyển trường lên thị xã và gửi em ở nhà bác Đạt. Dũng lúc này cũng đang học đại học xa nhà. Chuyện chồng con của em coi như đã được định đoạt. Vì vong linh của mẹ, thương bố lận đận cả đời cho con, em chỉ biết cúi đầu cam chịu. Nhưng em không thể dối lòng mình, em yêu anh và em biết anh cũng yêu em… Tuổi mười bảy dại khờ chẳng cứu được tình yêu của chúng mình. Em chỉ biết ước mình như cô gái trong bài hát “Mối tình câm” để được anh yêu thương mà không phải chối từ … Nhưng rồi em vẫn phải viết thư cho anh sau lần gặp lại ấy…
Ôi! Phải chăng mỗi người có một số phận. Mẹ tôi cũng phải sống âm thầm lặng lẽ một đời. Bố tôi đã nhảy xuống sông từ tử vì không được gia đình chấp nhận cho lấy mẹ tôi, lý do vì nhà mẹ tôi nghèo. Hồi ấy, nếu không có bà ngoại thì mẹ tôi cũng đi đã theo bố tôi. Sau đó, bà ngoại lặng lẽ đưa mẹ tôi rời làng. Tôi đã sinh ra và lớn lên ở cái thị trấn nhỏ này.
Tôi ngắm nhìn những ngón tay thon thon, nhỏ nhắn, trắng ngần của em đang tiếp tục thả lá. Bàn tay mềm mại kia trong điệu múa ngày ấy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu thương nồng nàn … Tôi đột ngột nắm chặt tay em nói gấp gáp:
-  Đến giờ anh phải đi rồi, tạm biệt em. Vĩnh biệt tình yêu của anh … Em gục đầu, áp mặt vào ngực tôi. Vòng tay tôi xiết nhẹ ôm sát em vào mình. Nước mắt em thấm vào ngực tôi nóng bỏng. Tôi thơm lên mái tóc thoảng mùi hoa bưởi, nhẹ nhành nâng khuôn mặt đẹp như vầng trăng của em lên, nhìn sâu vào đôi mắt hồ thu sâu thẳm của em. Đôi hàng mi đen mượt, cong vút từ từ khép lại…
Có tiếng còi xe ngoài cổng trường … đợi em khuất vào lối rẽ, tôi mới lên xe của mình. Bên kia phía quầy sách vẫn vọng lại tiếng hát.
         … Em chở mùa hè của tôi đi qua, còn tôi đứng lại
             Nắng ngập sân trường một vạt áo ai bay…
Xe tôi lao vút đi giữa trưa hè nóng bỏng. Dường như dưới ánh nắng chói chang, hoa phượng bên đường càng rực rỡ, thắm hồng trên nền lá xanh biếc...
                          
                                                        Nha Trang – 02/9/1996